Thứ Năm, 17/04/2025, 13:00 (GMT+7)

Violinist Lê Nam Đình | Âm nhạc – Sự phát triển bản ngã, hay chỉ là thú vui xa xỉ?

DS&TH – Âm nhạc nói chung và violin nói riêng vẫn giữ nguyên giá trị cốt lõi nhưng cũng đồng thời bứt phá để thích nghi với thời đại. Nằm trong làn sóng đổi mới ấy, violinist Lê Nam Đình, sinh năm 1996 được biết đến là nghệ sĩ biểu diễn dung hòa giữa giai điệu truyền thống và hiện đại. Hoạt động chủ yếu tại miền Nam Việt Nam, với lĩnh vực biểu diễn sân khấu là trọng tâm, anh đang góp phần tái định nghĩa hình ảnh của người nghệ sĩ violin trong bối cảnh nghệ thuật đương đại.

Violin và hành trình “thoát ly” cổ điển của nghệ sĩ Lê Nam Đình

Từ lâu, violin vẫn được biết đến với hình ảnh của âm nhạc tinh tế và sâu lắng, và cây đàn bốn dây ấy giờ đây không còn giới hạn trong khuôn khổ các bản giao hưởng hay sonata cổ điển. “Ngành violin đang phát triển mạnh mẽ với sự kết hợp giữa kỹ thuật cổ điển và phong cách hiện đại. Violin không chỉ là nhạc cụ của âm nhạc cổ điển mà còn bắt đầu xuất hiện trong jazz, rock và pop”, violinist Lê Nam Đình chia sẻ.

Violinist Lê Nam Đình - Nghệ sĩ trẻ với góc nhìn mới về violin
Violinist Lê Nam Đình – Nghệ sĩ trẻ với góc nhìn mới về violin

Sự giao thoa giữa violin và các dòng nhạc hiện đại không chỉ mở rộng biên độ biểu cảm của nhạc cụ này, mà còn mang đến những trải nghiệm âm thanh mới mẻ cho khán giả. Violinist ngày nay không đơn thuần là người tái hiện bản nhạc, mà là nghệ sĩ thị giác, người trình diễn với toàn bộ cơ thể và tâm trí.

Giao thoa truyền thống – hiện đại: Nghệ thuật biểu diễn qua tay đàn nghệ sĩ Lê Nam Đình

Violinist Lê Nam Đình: “Ngôn ngữ hình thể khéo léo tạo nên thanh âm của cảm xúc”

Không chỉ tập trung vào kỹ thuật ngón tay hay độ chính xác của nốt nhạc, violinist Lê Nam Đình cho rằng ngôn ngữ cơ thể là “chìa khóa” giúp nghệ sĩ kết nối sâu sắc với khán giả. “Nó mang lại sự kết nối cảm xúc mạnh mẽ giữa nghệ sĩ và người xem. Mỗi cái nghiêng đầu, mỗi nhịp chân, mỗi ánh mắt – tất cả đều là một phần của bản nhạc”, anh chia sẻ.

Chính sự thấu hiểu này đã giúp anh không chỉ “chơi đàn”, mà thực sự “sống” trong từng tiết tấu. Biểu diễn violin trở thành một hình thức nghệ thuật toàn diện, nơi âm thanh, chuyển động và năng lượng hòa quyện làm một.

Đắm chìm trong từng giai điệu tạo nên trải nghiệm âm nhạc đáng nhớ trong lòng khán giả

Không ai trở thành nghệ sĩ violin chuyên nghiệp nếu thiếu đi hàng giờ luyện tập mỗi ngày. Áp lực là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, với Lê Nam Đình, luyện tập không đơn thuần là một công việc lặp đi lặp lại. “Âm nhạc là sự rung động. Mỗi lần luyện tập là một bước tiến để kết nối sâu sắc hơn với cảm xúc và tâm hồn”, anh chia sẻ. Đó là quá trình tự chữa lành, tự khám phá và tự kiến tạo một bản ngã nghệ thuật.

“Đam mê không phải là thứ khiến ta sống sung sướng, nó là thứ khiến ta không thể sống thiếu”, nghệ sĩ Lê Nam Đình tâm sự
“Đam mê không phải là thứ khiến ta sống sung sướng, nó là thứ khiến ta không thể sống thiếu”, nghệ sĩ Lê Nam Đình tâm sự

Âm nhạc – Kỹ năng sống hay chỉ là thú vui xa xỉ?

Trong một xã hội đề cao tính thực tế, âm nhạc đôi khi bị xem nhẹ, thậm chí bị gạt ra khỏi danh sách “những điều cần thiết”. Tuy nhiên, Lê Nam Đình lại cho rằng: “Âm nhạc thực sự là một kỹ năng thiết yếu giúp giảm stress, phát triển khả năng sáng tạo và nâng cao tần số năng lượng. Nó nuôi dưỡng đời sống tinh thần theo cách mà ít ngành nghề nào có thể thay thế”. Thậm chí, với nhiều người, việc học âm nhạc không nhằm mục tiêu trở thành nghệ sĩ chuyên nghiệp mà là hành trình lý giải nút thắt về quan điểm “sướng ca vô loài”, hay chỉ đơn giản là khám phá nội tâm, tìm lại sự cân bằng trong cuộc sống hiện đại đầy áp lực. 

Âm nhạc chữa lành – Gác lại muộn phiền hòa cùng tiếng đàn violin

Một trong những quan điểm đặc biệt sâu sắc của Lê Nam Đình là cái nhìn mang tính thiền định về âm nhạc. Anh không xem violin đơn thuần là nhạc cụ, mà là công cụ kết nối với tần số vũ trụ. “Âm nhạc chính là phần không thể thiếu trong sự hòa hợp của vũ trụ. Khi âm thanh vang lên, cơ thể con người thay đổi. Tần số âm thanh có thể tạo ra sức khỏe, nhưng cũng có thể gây hại nếu không sử dụng đúng cách”, anh tận tình lý giải. 

Hay có lẽ, thực tế nhất, violinist Lê Nam Đình cảm nhận rằng âm nhạc như một phương thuốc trị liệu: “Một cây đàn vang lên tiếng hay là do các phân tử gỗ bên trong nó đã được ‘sắp xếp lại’ sau nhiều năm gắn bó, nhiều giờ luyện tập và chạm vào”. Cảm nhận ấy gợi liên tưởng đến một dạng cymatics – hiện tượng sóng âm tạo ra hình thái vật chất, nhưng ở đây là một kiểu cymatics thầm lặng, chậm rãi, mang tính thiền định Ở một số người, khi tiếp xúc đủ sâu với thứ âm thanh dịu dàng và chân thực ấy, cơ thể gần như lập tức chuyển hóa, dần được chữa lành từ sâu bên trong. 

Trong hành trình âm nhạc đầy thử thách nhưng cũng rực rỡ sắc màu, nghệ sĩ violin Lê Nam Đình đang không ngừng làm mới bản thân, vượt qua giới hạn của khuôn mẫu để khẳng định tiếng nói riêng. Anh không chỉ là người trình diễn, mà là người kể chuyện bằng âm thanh, một người thắp sáng sân khấu bằng thứ ánh sáng không nhìn thấy, nhưng có thể cảm nhận bằng trái tim. 

Hẹn gặp lại quý độc giả trong các chuyên mục nghệ thuật tiếp theo!

Có thể bạn quan tâm

TIN LIÊN QUAN