DS&TH – Từ những phím đàn trong giáo đường đến ánh đèn sân khấu lớn, hành trình âm nhạc của Pianist Paul Khoi Nguyen là một bản giao hưởng dài đầy đam mê, thử thách và những nốt thăng trầm của cuộc sống. Người nhạc sĩ – giáo viên – thủ lĩnh band nhạc này không chỉ mang trong mình tình yêu âm nhạc nồng nàn, mà còn là người gieo mầm nghệ thuật cho thế hệ trẻ bằng cả trái tim. Hãy cùng chúng tôi gặp gỡ anh trong một buổi trò chuyện sâu lắng.
Xin chào Pianist Paul Khoi Nguyen, mời anh có thể giới thiệu đôi nét về bản thân đến quý độc giả kênh Đời Sống Và Thương Hiệu để mọi người được hiểu rõ hơn ạ
Xin chào quý độc giả kênh Đời Sống Và Thương Hiệu, mình là Nguyễn Đình Khôi, sinh năm 1989. Hiện mình đang sống và làm việc trong lĩnh vực âm nhạc với vài vai trò: giáo viên Piano, leader của band nhạc, và đồng thời cũng kinh doanh nhạc cụ. Tính từ năm 2010 đến nay thì cũng đã tròn 15 năm rồi ạ. Một chặng đường đủ dài để yêu, gắn bó và đôi lúc… đấu tranh với nghề.

Vậy điều gì đã đưa anh đến với con đường âm nhạc tuyệt vời này ạ?
Hạt mầm âm nhạc đầu tiên trong mình có lẽ được gieo từ rất sớm, khi chỉ còn là một cậu bé theo ba tham dự các buổi tập hát và hát lễ của ca đoàn trong nhà thờ. Ba mình là người đệm đàn cho ca đoàn, và cái không khí thiêng liêng, những âm thanh vang vọng nơi giáo đường ngày ấy đã âm thầm gieo vào lòng mình niềm yêu thích rất tự nhiên.
Khoảng năm lớp 8, ba mẹ khuyến khích mình học đàn Organ, nhưng lúc đó chỉ học để phục vụ cộng đồng trong ca đoàn. Mãi đến khi học xong cấp 3, mình mới quyết định theo đuổi con đường chuyên nghiệp bằng việc thi vào một trường cao đẳng chuyên ngành Sư phạm Âm nhạc tại Sài Gòn. Từ đó, con đường mở ra và mình bắt đầu gặp được những người cùng lý tưởng, những người truyền cảm hứng cho mình sống trọn với đam mê.
Anh từng chia sẻ rằng có những lúc phải đấu tranh với nghề. Vậy trong những ngày đầu chập chững bước vào con đường này, anh đã đối mặt với những thử thách nào để có thể từng bước chạm đến thành công?
Nhiều lắm chứ. Lúc mới vào nghề thì đúng nghĩa là “chân ướt chân ráo”. Thiếu kinh nghiệm, thiếu nền tảng chuyên môn, nhiều lúc mình cũng hoang mang vì không biết hướng đi nào là đúng. Nhưng may mắn là mình gặp được những người thầy, người anh giỏi và có tâm. Họ chỉ bảo, nâng đỡ và giúp mình từng bước vững vàng hơn. Âm nhạc là một hành trình học không bao giờ ngừng nghỉ.

Có vài cột mốc mình trân quý. Khoảng năm 2011 – 2012, mình bắt đầu dạy nhạc ở trường quốc tế Tây Úc. Môi trường đó giúp mình hoàn thiện kỹ năng sư phạm rất nhiều. Đến 2018, khi chuyển về Vũng Tàu, mình có cơ hội gặp gỡ nhiều anh em giỏi trong nghề, đặc biệt là những người trong Blackpearl Band và Brothers Band bây giờ, đó cũng là lúc “chuyển mình” từ One Man Band ở phòng trà sang chơi Full Band – một trải nghiệm hoàn toàn khác. Và đến 2022, khi tham gia vào Blackpearl Band, chuỗi ngày tập ký âm, viết phối khí tổng phổ cho cả band đã giúp mình trưởng thành lên rất nhiều.
Mình không dám nhận mình là người thành công trong lĩnh vực. Mình chỉ tự hào khi cảm nhận rằng mình có sự tiến bộ trong chuyên môn giữa một vùng âm nhạc nghệ thuật mênh mông rộng lớn. Mình luôn tâm niệm trong âm nhạc bản thân mình chỉ như hạt bụi trong gió mà thôi, chính vì thế mình nghĩ rằng hành trình vững bước đến cánh cửa cơ hội của ngày hôm nay là nhờ chiếc chìa khoá của “tinh thần tìm tòi và học hỏi”, bởi lẽ phải tự tìm cách khắc phục điểm yếu của bản thân, phải không ngừng miệt mài luyện tập, “viên ngọc phải được mài thì mới sáng”.
Trong vai trò là leader của một band nhạc, làm thế nào anh giữ được tinh thần đoàn kết giữa các thành viên?
Tinh thần đoàn kết giữa các thành viên là yếu tố quan trong trong một band nhạc. Mình thấy cũng may mắn khi kêu gọi được các thành viên là những đàn anh có thâm niên trong nghề, và cũng làm việc với nhau nhiều rồi nên mọi người cũng có sự gắn kết sẵn. Ngoài ra, Trách nhiệm và sự rõ ràng là hai yếu tố mình đặt lên hàng đầu. Vì là người nhỏ tuổi nhất trong band, nên mình luôn cố gắng hoàn thành trách nhiệm của mình tốt nhất, và cũng tinh tế bày tỏ với mọi người về mong muốn tất cả thành viên chu toàn vai trò của mình trong Band. Tài chính cũng là một vấn đề nhạy cảm, nên mình luôn minh bạch, rạch ròi. Trên hết là tôn trọng lẫn nhau và cùng hướng về mục tiêu chung.

Khi đứng lớp giảng dạy, điều anh mong muốn học viên của mình nhận được nhất là gì ạ?
Mình mong họ lĩnh hội được tất cả, theo một hành trình tự nhiên: đầu tiên là kỹ năng, vì có kỹ thuật thì mới thể hiện được tác phẩm một cách chính xác. Sau đó là cảm xúc – điều khiến mỗi bản nhạc có hồn. Và cuối cùng là khả năng ứng dụng, để âm nhạc không chỉ nằm trên phím đàn mà còn sống động trong đời sống, công việc hay hoạt động cộng đồng.

Trước khi khép lại chuyên mục kỳ này, Pianist Paul Khoi Nguyen – anh có thể chia sẻ về kế hoạch sắp tới của mình được không ạ?
Mình ấp ủ nhiều kế hoạch, nhưng mục tiêu trước mắt và cấp thiết nhất chính là phát triển Trung Tâm Âm Nhạc AGAPE MUSIC – giấc mơ mình đã bắt đầu hiện thực hóa từ năm 2019. Cái tên AGAPE mang ý nghĩa “yêu thương và phục vụ”, đúng như cách mình đã đến với âm nhạc từ môi trường Ca Đoàn, nơi mình học cách dùng âm nhạc để lan tỏa tình yêu và phụng sự đời sống thánh. Bên cạnh đó, mình cũng đang mở rộng quy mô kinh doanh nhạc cụ, với mong muốn phục vụ tốt hơn cho các bạn trẻ đang theo đuổi đam mê. Về band nhạc, mình đặt kỳ vọng xây dựng Brothers Band trở thành một nhóm nhạc chuyên nghiệp thực thụ, có bản sắc riêng, có cá tính âm nhạc rõ nét và luôn hướng đến chất lượng trong từng màn trình diễn.

Và nếu có cơ hội, mình sẽ học thêm về học thêm recording cũng như hoà âm phối khí trên phần mềm để trở thành Producer tự mình sản xuất âm nhạc. Ngoài ra, mình vẫn tham gia phục vụ ca đoàn như ngày xưa và mong muốn có thể đóng góp nhiều hơn cho các hoạt động cộng đồng, đặc biệt là những dự án âm nhạc phi lợi nhuận.
Hành trình của Pianist Paul Khoi Nguyen từ những phím đàn trong giáo đường đến vai trò thủ lĩnh của một ban nhạc chuyên nghiệp, anh đã không ngừng học hỏi, truyền cảm hứng và gieo mầm nghệ thuật cho thế hệ trẻ. Hẹn gặp lại quý độc giả trong các chuyên mục tiếp theo!