Chủ Nhật, 27/04/2025, 09:00 (GMT+7)

KTS Nhật Minh – Tiêu chuẩn và sự linh hoạt là giải pháp cho phát triển kiến trúc bền vững

DS&TH – “Tiêu chuẩn” và “sự linh hoạt” là hai trụ cột trong tư duy kiến trúc của KTS Nhật Minh. Anh và MNQ.Architects đã tạo nên những không gian mang tính Hiện đại thích ứng, cân bằng giữa con người và bối cảnh. Cùng chúng tôi gặp gỡ và trò chuyện với KTS Nguyễn Công Nhật Minh, người định hình kiến trúc bằng sự điềm đạm và tận tâm, nơi mỗi thiết kế đều phản chiếu chiều sâu văn hóa và tinh thần nghề nghiệp.

Anh đến với kiến trúc và hình thành tư duy thiết kế như thế nào? Triết lý thiết kế mà MNQ.Architects theo đuổi và cách tiếp cận đối với từng dự án ra sao?

Tôi bắt đầu có cảm hứng khi quan sát thấy chị gái theo đuổi ngành kiến trúc. Tư duy thiết kế của tôi dần phát triển trong quá trình học hỏi và quan sát xung quanh. Trong quá trình học tập, tôi chịu ảnh hưởng sâu sắc từ KTS Le Corbusier, kiến trúc của ông đi theo Chủ Nghĩa Hiện Đại (modernism), với công năng (functionality), sự đơn giản (simplicity) và kết cấu rõ ràng (clarity of structure). Sau này, tôi được biết đến Alvaro Siza và Glenn Murcutt – những kiến trúc sư giúp tôi mở rộng góc nhìn về mối quan hệ giữa kiến trúc, kỹ thuật, con người, tự nhiên và bối cảnh. Đồng thời, tôi cũng nhận được sự giúp đỡ và chia sẻ kinh nghiệm từ các anh chị kiến trúc sư có tâm huyết với nghề. 

KTS Nhật Minh (Nguyễn Công Nhật Minh)
KTS Nhật Minh (Nguyễn Công Nhật Minh)

Tại MNQ.Architects, chúng tôi không áp đặt một triết lý quá xa vời, mà luôn bắt đầu từ những bài toán thực tế và giải quyết các vấn đề cụ thể trong từng dự án. 

Tôi tin vào Tiêu chuẩn (Standard) và Sự linh hoạt (Flexibility). Tiêu chuẩn giúp giảm thiểu tính phức tạp (Complexity) – Sự Linh Hoạt cần để thích ứng với mỗi bối cảnh hoạt động xây dựng diễn ra, đồng thời sử dụng những giải pháp kỹ thuật (Technical) phù hợp cho việc chuyển đổi công năng của công trình trong tương lai. Với tôi, kiến trúc là sự cân bằng giữa lý thuyết và thực hành. Ngoài ra, phải chú trọng quá trình giám sát tác giả, sâu sát trong quá trình thực hiện dự án vì có rất nhiều vấn đề phát sinh trong quá trình xây dựng, đòi hỏi sự tư vấn kịp thời của kiến trúc sư – giải pháp là điều quan trọng!

Cảm hứng trong kiến trúc của anh có mối liên hệ như thế nào với văn hóa truyền thống và bối cảnh địa phương?

Cảm hứng thiết kế của tôi bắt nguồn từ sự tò mò và niềm yêu thích khám phá văn hóa, đặc biệt là bối cảnh địa phương. Lớn lên ở Huế – vùng đất giàu giá trị lịch sử, tôi may mắn được tiếp xúc với kiến trúc cung đình, lăng tẩm, nhà vườn truyền thống và hệ thống đa dạng cảnh quan. Những trải nghiệm đó giúp tôi có những góc nhìn đa chiều trong lối tiếp cận giữa văn hóa, kiến trúc, tự nhiên và con người. “Văn hóa mang tính kế thừa” và kiến trúc cũng vậy.

KTS Nhật Minh sinh ra và lớn lên tại Huế
KTS Nhật Minh sinh ra và lớn lên tại Huế
Sự đối thoại và linh hoạt giữa các không gian sống

Tại văn phòng, chúng tôi thường xuyên tham quan, nghiên cứu các công trình truyền thống để học hỏi cách người xưa xử lý không gian, vật liệu và khoảng trống. Kết hợp với tư duy hiện đại, các yếu tố này trở thành nền tảng thiết kế: đề cao sự kết nối với tự nhiên, tạo nên những không gian sống cân bằng, hài hòa với bối cảnh. Yếu tố về “Khoảng Trống, Khoảng Đệm, và Khu Vườn”; là những điểm mà tôi đặc biệt chú ý, để vận dụng trong các phương án thiết kế của mình. Các “chi tiết kỹ thuật” trong kiến trúc là phần không thể thiếu với tôi, nó không chỉ đơn thuần là kỹ thuật mà còn mang lại tính thẩm mỹ cho công trình.

Theo anh, kiến trúc hiện đại đang đối diện với những thách thức nào trong việc cân bằng giữa sự sáng tạo, các giá trị bền vững cho cộng đồng và môi trường?

Trong lịch sử thế giới, mỗi hình thái kiến trúc mới được ra đời, đều dựa trên những chuyển biến mang tính cách mạng, hay những sự kiện mang tính phá hủy. Dẫn đến con người thay đổi về mặt nhận thức, họ đưa ra những giải pháp để khắc phục, tái tạo, suy nghĩ cho tương lai. Với tôi, “kiến trúc hướng về tự nhiên” và “kiến trúc thích ứng” không còn là xu hướng mà là con đường tất yếu để giữ gìn sự cân bằng giữa con người và hệ sinh thái. Kiến trúc có vai trò định hướng và cải thiện đời sống của xã hội.

Các bản vẽ phác thảo luôn được KTS Nhật Minh chú trọng
Các bản vẽ phác thảo luôn được KTS Nhật Minh chú trọng
Không gian giếng trời tại khu vườn trong

“Khoảng trống” có vai trò như thế nào trong thiết kế của anh?

Các đặc điểm giữa Gap và Space – White space và Negative Space. Chúng tác động trực tiếp vào sự phân bổ công năng và tính tạo hình trong kiến trúc, giữa không gian mang tính cởi mở (public) hay riêng tư (private), các chiều kích (dimension) mang tính vật lý của không gian, và ngoài ra các chi tiết (detail) cũng đóng một vai trò nhất định. Đóng/Mở, Ẩn/Hiện, Chính/Phụ, sự đối lập trong kiến trúc là điều cần thiết, bởi nó mang lại những trải nghiệm thay đổi về cảm xúc cũng như những chuyển biến trong cảm nhận tinh thần của con người . Và “Khoảng Trống” là điểm bao quát cho các yếu tố đó. 

“Way House & Spider Express Office” công trình với bối cảnh trong một khu vườn lớn

Anh có thể chia sẻ thêm về hành trình sáng lập và tầm nhìn của văn phòng MNQ Architects không?

Văn phòng MNQ.Architects được sáng lập giữa tôi, vợ tôi – KTS Như Quỳnh và chị gái tôi – KTS Yến Như đang hoạt động tại TP. Hồ Chí Minh. Dù chính thức thành lập hơn một năm, nhưng thực tế chúng tôi đã bắt đầu từ hơn ba năm trước tại TP. Huế. Chúng tôi luôn cố gắng duy trì một sự kết hợp hài hòa giữa lý thuyết học thuật và thực hành, từ những dự án nhỏ đến lớn đều được chăm chút kỹ lưỡng.

Tầm nhìn của MNQ.Architects là luôn bám sát với thực tế và nhu cầu xã hội, đồng thời giữ vững sự sáng tạo không gian mang tính hiện đại trong từng dự án. Chúng tôi tin rằng kiến trúc không chỉ là một nghề mà còn là sự chia sẻ, học hỏi và kế thừa. Chính vì vậy, việc mở rộng không gian giao lưu giữa các kiến trúc sư, sinh viên và những đồng nghiệp có chung niềm đam mê là một trong những mục tiêu quan trọng.

Mỗi dự án đều được chăm chút kỹ lưỡng với phương pháp nghiên cứu bằng mô hình

Trong thị trường kiến trúc ngày càng bị chi phối bởi sự thương mại hoá, anh làm như thế nào để giữ vững tinh thần học thuật và kiên định với con đường nghiên cứu chuyên sâu?

“Cực kỳ khó”. Đó luôn là câu trả lời đầu tiên của tôi khi được hỏi về việc theo đuổi hướng nghiên cứu trong kiến trúc. Tôi vẫn hay đùa với sinh viên rằng họ là những “tỷ phú” – Để duy trì hướng đi này, kiến trúc sư cần một đời sống đủ ổn định. Thật khó khăn khi nói rằng, Tài Chính là yếu tố quyết định !

Sự kiên định, lòng yêu nghề và tinh thần học hỏi không ngừng là thứ giúp ta không bị cuốn theo các xu hướng nhất thời. Điều tôi luôn nhắc bản thân – và muốn gửi đến các bạn trẻ là: kiên trì và đừng bỏ cuộc.

Có thể bạn quan tâm

TIN LIÊN QUAN