DS&TH – Âm thanh không chỉ là những rung động vô hình, mà là cảm xúc chạm đến trái tim khán giả. Hơn 20 năm đứng sau hàng trăm sân khấu lớn nhỏ, kỹ sư âm thanh Leo Ngo lặng lẽ dùng chuyên môn và đam mê để kể những câu chuyện không lời, đầy mê hoặc và chân thật.
Bắt đầu từ sự tò mò đến sáng tạo những âm thanh “đã tai”
Kỹ sư âm thanh Leo Ngo, tên thật là Ngô Hoàng Nguyên, bắt đầu sự nghiệp từ năm 2004, khi còn rất trẻ và chỉ phụ trách những phần kỹ thuật nhỏ. Từ nhỏ, anh đã rất nhạy cảm với âm thanh và luôn tò mò vì sao có sân khấu nghe rất hay, nhưng cũng có nơi lại chói tai hoặc ù ù. Sự tò mò ấy khiến anh mày mò tìm hiểu từng thiết bị, nguyên lý vận hành và dần học hỏi một cách nghiêm túc.
Năm 2008, anh tốt nghiệp cử nhân kỹ sư âm thanh – chuyên ngành sản xuất âm thanh (Bachelor of Audio Engineering – Audio Production) tại SAE (School of Audio Engineering), Melbourne, Australia, thuộc khoá đầu tiên của chương trình cử nhân ngành Audio Engineer. Hơn 20 năm sau ngày chạm tay vào những thiết bị đầu tiên, Leo Ngo đã trở thành FOH Engineer cho nhiều chương trình lớn trong và ngoài nước, góp mặt ở đủ loại sân khấu – từ show truyền hình đến các đại nhạc hội lên đến hàng chục nghìn người.

Làm FOH đồng nghĩa với việc chịu trách nhiệm toàn bộ phần âm thanh dành cho khán giả và phải xử lý mọi sự cố ngay lập tức, không có cơ hội làm lại. Chỉ một sai sót nhỏ về tín hiệu hay đường truyền cũng có thể ảnh hưởng đến cả chương trình. Mỗi địa điểm lại khác nhau về không gian, thiết bị, thời tiết… nên mỗi show là một bài toán mới. Để vượt qua những thử thách đó, Leo luôn chuẩn bị kỹ lưỡng, giữ kỷ luật trong từng chi tiết và quan trọng nhất là phối hợp chặt chẽ với cả ekip. Anh cho rằng, không ai có thể làm tốt công việc này nếu chỉ làm một mình.

Điều khiến Leo Ngo gắn bó với nghề suốt nhiều năm qua chính là cảm giác khi âm thanh mình làm ra thật sự chạm đến cảm xúc người nghe. Đó có thể là khoảnh khắc hàng nghìn khán giả cùng hò reo, xúc động, hoặc lặng người vì một đoạn nhạc vang lên đúng lúc. Với anh, âm thanh không cần phải thật to hay phô diễn kỹ thuật – quan trọng nhất là truyền được đúng cảm xúc mà nghệ sĩ muốn gửi gắm.
Khi âm thanh trở thành nghệ thuật dẫn lối cảm xúc
Trong vai trò FOH Engineer, Leo Ngo không đơn thuần chỉ xử lý kỹ thuật mà còn kiến tạo cảm xúc cho khán giả. Anh chịu trách nhiệm từ khâu thiết kế hệ thống loa phù hợp với từng không gian đến việc mixing trực tiếp toàn bộ chương trình. Với những sân khấu có điều kiện âm học phức tạp như concert ngoài trời hay sân vận động, mỗi không gian đòi hỏi cách xử lý khác nhau về EQ, delay, hay phase alignment để đảm bảo âm thanh không chỉ “nghe rõ” mà còn “nghe hay” từ hàng ghế đầu đến cuối.

Theo anh, một chương trình không thể thành công nếu các bộ phận không hoạt động ăn ý. Dù thiết bị có hiện đại đến đâu, nhưng nếu FOH không hiểu ý đạo diễn, monitor không ăn khớp với nghệ sĩ, hay ánh sáng và sân khấu không đồng bộ, thì cảm xúc của khán giả sẽ bị gián đoạn. Bởi vậy, teamwork trong nghề kỹ thuật sân khấu không chỉ là phối hợp, mà là “chung cảm” – cùng hiểu điều mà nghệ sĩ muốn truyền tải và cùng nhau hiện thực hóa bằng mọi công cụ kỹ thuật sẵn có.

Triết lý âm thanh của Leo Ngo luôn nhất quán: không cần làm nổi bật kỹ thuật, mà cần đúng chỗ để nâng đỡ câu chuyện của người nghệ sĩ. Âm thanh tốt không phải thứ khiến người ta trầm trồ, mà là thứ khiến khán giả lặng đi vì cảm xúc. Bằng sự lắng nghe và thấu hiểu, anh chọn cách để âm thanh “ẩn mình”, hòa quyện cùng sân khấu – giúp khán giả không chỉ nghe thấy nhạc, mà còn cảm được những điều không thể nói thành lời.
Góp phần tạo nên cảm xúc bằng sự lặng lẽ và tử tế
Với Leo Ngo, dấu mốc quan trọng nhất trong sự nghiệp không phải là quy mô sân khấu hay tiếng vỗ tay, mà là khoảnh khắc khán giả lặng đi vì cảm xúc. Dù là đại nhạc hội ngoài trời hay show nhỏ trong nhà hát, anh luôn hết mình để tôn vinh cảm xúc mà nghệ sĩ gửi gắm.
Hơn 20 năm làm nghề giúp anh tích lũy nhiều kinh nghiệm quý và giờ đây anh muốn trao lại cho thế hệ sau. Ngoài việc tiếp tục đồng hành cùng các dự án lớn, anh mong muốn mở workshop, tổ chức lớp học nền tảng cho những bạn trẻ thật sự yêu nghề. Với anh, khi kiến thức được chia sẻ đúng cách, nghề sẽ đi xa và bền vững hơn.
Kỹ sư âm thanh Leo Ngo chọn cách đứng sau ánh đèn sân khấu, làm nghề bằng sự lặng lẽ và tận tâm. Anh không cần nổi bật, chỉ cần âm thanh mình tạo ra góp phần làm nên những khoảnh khắc đáng nhớ. Đó là cách anh sống với nghề – giản dị, tử tế nhưng luôn để lại dư âm lâu dài trong lòng khán giả.