DS&TH – Ngày 2/12/2023, trước giờ xuất phát tại cổng Nhà hát lớn Hà Nội, Sean Down và Jake Norris được vây quanh bởi bạn bè, đại diện các tổ chức mà họ gây quỹ, đại diện Đại sứ quán Úc và Ireland. Bất chợt, họ cảm thấy lo sợ và hoang mang trước quyết định của mình. Họ sợ rằng bản thân không thể tới đích.
Nhưng rồi, ngày 24/2, hai người đàn ông tới từ 2 quốc gia khác nhau đã kết thúc hành trình tại TP.HCM đúng như kế hoạch sau gần 3 tháng đi bộ quãng đường 2.000km. Số tiền các anh gây quỹ được cho trẻ em khó khăn là 35.000 USD (tương đương 866 triệu đồng).
Jake cho biết, anh đã lên kế hoạch cho chuyến đi bộ này trước đó vài năm. Nhưng một loạt lý do sau đó khiến hành trình phải hoãn lại đến tận cuối năm 2023. “Đại dịch Covid-19 ập đến, người bạn đồng hành ban đầu của tôi trở về nước, sau đó tôi lại gặp chấn thương ở lưng, vì thế chuyến đi bị lùi lại”.
Để chuẩn bị cho chuyến đi, cả hai – vốn là những giáo viên tiếng Anh ở Việt Nam – đã xin nghỉ việc từ tháng 5/2023.
Khi được hỏi động lực để thực hiện hành trình tốn thời gian, công sức và tiền bạc này, Sean chia sẻ, trước kia anh đến Việt Nam với dự định chỉ sống ở đây 4 tháng nhưng đến bây giờ, anh đã ở đây được 5 năm. Jake cũng tương tự. Anh chỉ định sống ở Việt Nam cùng bạn gái trong vòng 1 năm, nhưng họ đã sống ở đây suốt 7 năm qua.
“Chúng tôi phải lòng đất nước của các bạn. Chúng tôi mong muốn chuyến đi này sẽ giúp gây quỹ cho các nạn nhân là trẻ em bị xâm hại tình dục, ép buộc lao động, có hoàn cảnh khó khăn mà 2 tổ chức Quỹ Trẻ em Blue Dragon và Dự án Thành Lộc đang giúp đỡ suốt nhiều năm nay. Nó như một lời cảm ơn của chúng tôi dành cho Việt Nam”.
Sean chia sẻ, hơn hết, anh cảm thấy mình sinh ra đã may mắn hơn rất nhiều người, “đủ để chúng tôi có thể ngừng làm việc 3 tháng để giúp đỡ người khác”.
“Chúng tôi được biết có 5,5 triệu trẻ em Việt Nam đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận giáo dục, y tế, dinh dưỡng và các điều kiện sống cơ bản khác. Trong số đó có những đứa trẻ lang thang đường phố, bị mua bán, xâm hại tình dục và lao động ép buộc…
Không ai có quyền chọn cha mẹ, môi trường xã hội, trí tuệ hay cơ thể của mình. Các em xứng đáng có một cuộc sống tốt hơn, giống như bạn, như tôi, như chúng ta”.
Không chọn tuyến đường ngắn nhất là Quốc lộ 1, Sean và Jake chọn đi theo đường mòn Hồ Chí Minh để có cơ hội được tương tác với nhiều người dân nhất có thể.
Những tuần đầu tiên, Sean và Jake di chuyển từ Hà Nội ra tới đường mòn, sau đó đi theo đường bờ biển, ghé thăm Huế, Đà Nẵng, Hội An (Quảng Nam). Họ thường nạp năng lượng cho bữa sáng bằng một thanh dinh dưỡng ăn liền và một cốc cà phê đen. Sau đó, họ ăn trưa vào 11-12h và kết thúc hành trình vào 15-16h ở một nhà nghỉ trên đường đi.
“Chúng tôi đều ăn chay nên việc ăn uống không phải là một vấn đề quá lớn. Chỉ cần có cơm và đậu phụ là chúng tôi vui rồi” – Sean nói.
Anh cho biết, thách thức lớn nhất trong chuyến đi bộ dài ngày này là thời tiết. Đầu chuyến đi, các anh trải qua thời tiết lạnh và mưa nhiều, nhưng càng dịch vào phía trong thì nhiệt độ và độ ẩm càng tăng lên, “đến mức chúng tôi thường phải rời đi vào lúc 4h sáng để tránh cái nóng”.
Sean bị viêm khớp ở mắt cá chân và có một vài ngày bị viêm phổi rất nặng, nhưng rất may mắn anh đã vượt qua. Jake có sức khỏe tốt hơn nhiều so với Sean nhưng anh đã phải tạm dừng mối quan hệ với bạn gái của mình trong khi thực hiện chuyến đi. “Điều đó rất khó khăn với cậu ấy” – Sean chia sẻ.
Cũng giống như nhiều người nước ngoài khác khi trải nghiệm giao thông ở Việt Nam, hai người thừa nhận rất khó khăn khi thực hiện một chuyến đi bộ dài 2.000km.
Gần 3 tháng đi bộ trên những con đường nông thôn khắp các tỉnh thành Việt Nam, Sean và Jake nhận ra: “Sự hào phóng của người dân thật là đặc biệt. Họ không có nhiều điều kiện để giúp đỡ chúng tôi nhưng họ lại luôn sẵn lòng. Người dân cho chúng tôi thức ăn và nước uống, mời chúng tôi về nhà uống trà, ăn tối. Và khi biết về chuyến đi bộ gây quỹ, nhiều người đã mời chúng tôi ở lại miễn phí qua đêm”.
Một trong những kỷ niệm đẹp của 2 người là khi được các nữ tu trên đảo Lý Sơn cho ở nhờ. “Chúng tôi được ăn những món chay ngon tuyệt ở đây”.
“Với bọn trẻ mà chúng tôi gặp trên đường, chúng tươi sáng, tràn đầy sức sống và vô cùng chu đáo. Bọn trẻ đạp xe đi theo, cho chúng tôi đồ ăn, thức uống. Các em muốn xin chữ ký, nói tiếng Anh với chúng tôi hoặc chỉ đơn giản là thích thú khi được tương tác với người nước ngoài. Jake đã dừng lại để chơi bóng đá với một nhóm trẻ em gần Vườn Quốc gia Cát Tiên trong một ngày chúng tôi phải đi bộ 30km dưới cái nóng 40 độ C” – Sean kể.
Chỉ có một ấn tượng không mấy tốt đẹp lắm trên hành trình 2.000km của 2 người đàn ông, đó là họ thường xuyên chứng kiến cảnh những loài động vật không được yêu thương và tôn trọng. “Chim bị nhốt trong lồng nhỏ, chó bị xích suốt ngày, mèo bị bỏ trong thùng… Những cảnh tượng đó nhiều lần làm tan nát trái tim chúng tôi”.
Sean cho rằng, có lẽ nhiều người Việt đang bỏ lỡ những trải nghiệm quý báu mà cuộc sống có thể mang lại. “Một mối quan hệ sâu sắc và tràn đầy tình yêu thương với một con vật sẽ dạy bạn nhiều điều và làm giàu tâm hồn bạn theo những cách mà bạn không thể tìm thấy với một con người”.
Quay trở lại với công việc giúp đỡ trẻ em yếu thế, Sean nói: “Chuyến đi của chúng tôi đã kết thúc không có nghĩa là vấn đề đã được giải quyết. Chúng tôi mong rằng tất cả mọi người hãy đóng góp thời gian, nguồn lực của mình để giúp đỡ những người kém may mắn hơn. Đó là nghĩa vụ của chúng ta. Chúng ta có thể làm cho thế giới này trở nên tốt đẹp hơn bằng chính tình yêu trong trái tim mình”.